TS.BS Trần Chí Cường trò chuyện thân tình với người lớn tuổi về bệnh đột quỵ

Đột quỵ là căn bệnh không “bỏ sót” bất kỳ đối tượng nào, nhất là những người lớn tuổi khi thời tiết thay đổi đột ngột.

08-01-2018 17:30

Hiểu được nỗi lo này, nhân tour tham quan – trải nghiệm 24 giờ ở Trung tâm chăm sóc Người cao tuổi Hoa Sen Nhật Bản ngày 6/1, AloBacsi đã mời TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Thần kinh và Can thiệp mạch máu não tham gia giao lưu và tư vấn về bệnh đột quỵ.
Đúng hẹn với chương trình, ngay sau khi hoàn tất các công việc ở TPHCM, TS.BS Trần Chí Cường đã chạy lên thành phố mới Bình Dương để kịp chương trình tư vấn lúc 19g30.
Ban đầu BS Cường cùng vợ là BS.CK2 Phan Trịnh Minh Hiếu – người luôn kề vai trong các hoạt động ý nghĩa – dự tính đến trung tâm bằng xe riêng. Tuy nhiên do kẹt xe liên tục, sợ trễ hẹn với các cô chú, nên ông gọi học trò mang xe máy tới, mua vội chiếc nón bảo hiểm của người chạy xe ôm ven đường rồi tự tay chạy Honda.

Dù thấm mệt vì di chuyển liên tục trong điều kiện kẹt xe, phải chuyển sang xe nhỏ và… tìm đường nhưng trên tinh thần hết lòng vì sức khỏe của mọi người, BS Cường vẫn cập nhật kiến thức với phong thái hài hước, dễ gần như mọi ngày.
Những câu chuyện của ông khiến mọi người thêm mến phục và dù chỉ mới gặp nhưng đã ưu ái gọi ông với cái tên “bác sĩ thiên thần”.
Dù thấm mệt sau chặng đường dài nhưng BS Cường vẫn mang đến sự vui tươi cho khán phòng với phong cách trò chuyện gần gũi, hóm hỉnh

1 năm trên thế giới mất đi “một TPHCM” do đột quỵ

Mở đầu phần tư vấn, BS Cường cho biết đột quỵ, tim mạch và ung thư là 3 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Trong đó, đột quỵ là bệnh xảy ra đột ngột, thời gian tính bằng giây. Nếu ung thư có thể đi Mỹ, Singapore để chữa trị nhưng với đột quỵ thì không. Chính vì vậy, ông nói: “Chúng ta phải tự cứu lấy chúng ta”.

Những con số về đột quỵ mà BS Cường đưa ra như: 1 năm trên thế giới mất đi “một TPHCM” do đột quỵ, tương đương với 15 triệu người, 45 giây có 1 trường hợp đột quỵ mới xảy ra và trong 3 phút có 1 ca tử vong vì căn bệnh này khiến mọi người phải giật mình.

Bên cạnh khái niệm về đột quỵ, phân loại, phòng ngừa, ông còn chia sẻ nhiều kiến thức hữu ích như có tới 80% đột quỵ não có dấu hiệu cảnh báo trước. Vì vậy, khi có các dấu hiệu nhìn mờ, yếu liệt tay chân, khó cử động, nói khó… thì cần nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu.

Việc phát hiện và điều trị kịp thời rất quan trọng, có đến 80% có thể cứu sống người bệnh. Hiện, Việt Nam đã có thể áp dụng phương pháp điều trị đột quỵ mới nhất. Trường hợp xuất huyết não có thể can thiệp nội mạch cầm máu, loại bỏ dị dạng mạch máu. Trường hợp nhồi máu não, khi được đưa đến bệnh viện thời gian trước 4 giờ 30 phút, nếu bệnh nhân bị tắc động mạch nhỏ sẽ được bác sĩ bơm thuốc tan máu đông để tái thông lại mạch máu bị tắc, nếu đến sau thời gian trên đến 6 giờ hoặc tắc động mạch lớn sẽ được can thiệp nội mạch để lấy cục máu đông.

Được nói chuyện với những người lớn tuổi như về với gia đình, BS Cường chia sẻ thân tình về ước mong trong tương lai cứ 2 tiếng chạy xe sẽ có một bệnh viện có thể thực hiện kỹ thuật cấp cứu và xử lý các trường hợp đột quỵ. Đây cũng là lý do mà ông thường xuyên “đi đây đi đó” để truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm với nhiều đồng nghiệp tại các bệnh viện và thế hệ học trò.


Khách tham gia tour trải nghiệm 1 ngày ở Trung tâm chăm sóc Người cao tuổi Hoa Sen Nhật Bản chăm chú lắng nghe chia sẻ của TS.BS Trần Chí Cường

BS Cường hóm hỉnh cho biết, hiện cuộc sống đã cải thiện, vì thế sự hiểu biết về các căn bệnh của mọi người cũng được nâng cao hơn. Tuy nhiên, dù thế nào thì cũng cần phải thăm khám và hỏi ý kiến của bác sĩ chứ không thể tự “hành động”, nhất là bệnh đột quỵ.

Ông dẫn dắt vào điều này bởi trước đây đã có người hỏi về loại thuốc tiêm làm tan cục máu đông giá trên chục triệu được bày bán trên thị trường. Ông nhấn mạnh, thuốc tiêu sợi huyết Actilyse chỉ được sử dụng trong bệnh viện bởi các bác sĩ chuyên khoa, hơn nữa chỉ khi bệnh nhân bị đột quỵ tắc mạch máu não đã được chứng minh và loại trừ đột quỵ xuất huyết não sau khi chụp CT. Do đó, việc điều trị tại nhà sẽ không an toàn, thậm chí có thể gây nguy hại cho bệnh nhân.

Đừng chủ quan: Huyết áp thấp cũng có thể gây đột quỵ!

Với lối trò chuyện thu hút, phần chia sẻ của BS Cường trôi qua nhanh chóng. Đúng như lời ban tổ chức nói, đây là “cơ hội quý” để được tư vấn với chuyên gia giàu kinh nghiệm, rất nhiều câu hỏi đặt ra cho vị tiến sĩ.

Câu hỏi đầu tiên liên quan đến việc “Vì sao người cao tuổi tắm buổi sáng thường hay đột quỵ?” BS Cường giải đáp: “Khi ngủ cơ thể cũng nghỉ ngơi, tim rất thông minh nên nhận biết được và chỉ hoạt động 50%. Khi mới ngủ dậy, người già thay đổi tư thế đột ngột, máu không kịp đưa lên não để nhận thức nên kéo theo 1 chuỗi hệ luỵ, trong đó có đột quỵ”.


Được gặp vị bác sĩ bậc thầy về bệnh đột quỵ, các cô chú tranh thủ nhờ BS Cường giải đáp thắc mắc về bệnh này

Để trả lời cho câu hỏi “Huyết áp thấp có gây đột quỵ?” ngay từ đầu buổi trò chuyện, ông đã dẫn dắt để mọi người hiểu được những nguyên nhân gây ra điều này rồi mới từ tốn trả lời. Ông cho biết nhiều người tưởng rằng chỉ tăng huyết áp mới gây đột quỵ. Tuy nhiên, dù chỉ chiếm khả năng rất thấp nhưng trong thực tế, huyết áp thấp cũng là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh nguy hiểm này do thiếu máu lên não. Nếu người bệnh chủ quan, để tình trạng huyết áp thấp kéo dài thì có thể dẫn đến đột quỵ.

Ngoài ra, với câu hỏi đột quỵ có nên châm cứu, cắt lể, ông khuyến cáo “tuyệt đối không”. Việc cần làm là đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong thời gian vàng – 3 giờ đầu để bác sĩ có hướng xử trí phù hợp.

Hay với vấn đề được nhiều người quan tâm, hỏi han nhiều nhất là “Choáng đầu khi làm việc, có cần chụp CT?”, BS Cường cho hay: “Nếu bác chỉ bị 1 lần thì không cần thiết. Tuy nhiên, nếu lặp lại nhiều lần và kèm theo triệu chứng khác thì nên đi khám. Một số kiểm tra, xét nghiệm cần làm là đo huyết áp, siêu âm động mạch cảnh… Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng xử trí. Nếu điều trị không có kết quả thì mới chụp CT, MRI vì các kỹ thuật này không nên quá lạm dụng”.
Gần cuối chương trình, BS Cường không quên giải đáp thêm câu hỏi “Suy tĩnh mạch có khả năng gây đột quỵ không?” của vị khách lớn tuổi. Ông nói: “Suy tĩnh mạch rất thường gặp, là tình trạng ứ trệ hệ thống mạch máu, đặc biệt là ở 2 chân. Bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi, làm việc nặng nhiều, nhân viên văn phòng, hoặc mang thai… Biến chứng của bệnh này là sự hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Các cục máu này sẽ gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác, nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi, đột quỵ…”.
21g, do quãng đường xa phải về lại TPHCM, BS Cường tiếc nuối hẹn lại với các cô chú sẽ giải đáp đầy đủ sau khi gửi câu hỏi về cho AloBacsi. Thương vị bác sĩ giàu nhiệt huyết, ban tổ chức đề nghị đưa ông về bằng xe hơi nhưng ông nhẹ nhàng từ chối bởi sợ “anh tài xế phải quay lại đây khuya, cực lắm!”.
Theo Kênh Truyền thông Y tế AloBacsi.vn

Tin cùng chuyên mục

Dịch vụ nhằm hỗ trợ tư vấn cách chăm sóc sức khỏe và cách sinh hoạt cho người cao tuổi tại gia, lên kế hoạch chăm sóc theo yêu cầu của gia đình, tư vấn nơi khám và điều trị tốt nhất cho khách hàng

Chi tiết

Theo nhu cầu thị trường mà dịch vụ chăm sóc người già tại nhà, Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Hoa Sen Nhật Bản xin giới thiệu dịch vụ chăm sóc người lớn tuổi theo giờ.

Chi tiết

Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Hoa Sen Nhật Bản nhận chăm sóc ngắn hạn đối với những đối tượng trên 65 tuổi cần được chăm sóc mà gia đình vì lý do cá nhân không thể chăm sóc được trong thời gian ngắn hạn 1 tháng/ 3 tháng/ 6 tháng tùy theo yêu cầu khách hàng.

Chi tiết

Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Hoa Sen Nhật Bản cung dịch vụ hỗ trợ toàn diện, thay gia đình chăm sóc từ sinh hoạt cá nhân, ăn, ở, khám sức khỏe và các nhu cầu vận động, giải trí hàng ngày cho các cụ trên 65 tuổi mà gia đình không có người và thời gian chăm sóc.

Chi tiết

Với đội ngũ nhân viên trẻ, khỏe, giàu kinh nghiệm và những trang thiết bị tiện dụng sẽ chăm sóc tận tình, chu đáo cho những trường hợp chăm sóc đặc biệt.

Chi tiết

Nếu bạn có nhu cầu hoặc thắc mắc, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 24/7

0899 161 336

...Thủ tục đăng ký

...0899161336